(binhthuan.gov.vn) Với 35 xã ven biển cùng huyện đảo Phú Quý, công tác y tế biển, đảo luôn được UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân và người dân sinh sống tại các xã ven biển, huyện đảo Phú Quý được hưởng chế độ chăm sóc y tế tốt nhất có thể.
Ghi nhận tại huyện đảo Phú Quý - địa phương thường xuyên được ngành Y tế quan tâm đầu tư. Vừa qua, Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Phú Quý đã được đầu tư 2 máy chạy thận nhân tạo, đây là bước tiến mới nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh ở huyện đảo xa xôi này.
Sau thời gian lắp đặt, vận hành chạy thử, cũng như xét nghiệm chất lượng nước lọc, hệ thống này gồm 2 máy chạy thận nhân tạo và lọc nước RO đi vào hoạt động phục vụ bệnh nhân suy thận mãn tại huyện đảo Phú Quý vào ngày 30/6/2022. Đã có 2 bệnh nhân Phú Quý đang chạy thận nhân tạo ở Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đăng ký chạy thận tại Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Phú Quý.
Anh Trần Ngọc T. 39 tuổi, mắc bệnh suy thận mãn 8 năm. Ròng rã trong nhiều năm dài, anh T. thuê nhà ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam để chạy thận nhân tạo, với tần suất 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa An Phước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam. Sau khi nghe thông tin Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Phú Quý được đầu tư máy chạy thận nhân tạo, anh T. đã đăng ký và quay trở về đảo điều trị.
Anh T. chia sẻ: Anh làm nghề biển, năm 31 tuổi, phát hiện bị sỏi thận, ứ nước, sau đó dẫn đến suy 2 quả thận. Để chạy thận, anh phải vào Phan Thiết thuê nhà trọ, chịu nhiều chi phí tốn kém khác trong suốt thời gian dài. Đến nay, anh được điều trị ngay tại đảo, giảm chi phí đi lại, thuê nhà, sống gần vợ con, còn giúp vợ con làm việc vặt trong nhà. Đây là niềm vui không riêng cho anh mà cho những bệnh nhân khác tại huyện đảo Phú Quý không may mắc bệnh suy thận mãn.
Ông Lê Hùng Hiệp, 57 tuổi ở Phú Quý, cho biết: Vợ của ông 55 tuổi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh suốt 4,5 năm. Cả 2 vợ chồng mỗi tháng chi phí 7 - 8 triệu cho tiền thuốc, tiền thuê phòng trọ, xe ôm mỗi tuần 3 lần đến bệnh viện để chạy thận và các chi phí sinh hoạt. Nhiều lúc nhớ nhà mà không dám về, do e ngại thời tiết bất thường khiến tàu không xuất bến, vợ chồng sẽ bị kẹt tại đảo, không thể chạy thận đúng lịch, gây nguy hiểm đến tính mạng của vợ. Bây giờ, tại Phú Quý có máy chạy thận nhân tạo, vợ chồng trở về điều trị gần nhà, giảm đáng kể nhiều chi phí.
Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Phú Quý, cho biết: Bệnh nhân suy thận mãn phải được điều trị suốt đời, việc đầu tư máy chạy thận nhân tạo tại huyện Phú Qúy sẽ tạo điều kiện cho người bệnh chữa trị gần nhà. Từ đó giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, giảm tải cho tuyến trên. Mỗi bệnh nhân hiện nay thực hiện chạy thận với tần suất 3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3 - 4 tiếng.
Từ nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư trang thiết bị máy chạy thận nhân tạo, hệ thống lọc nước RO, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Phú Quý. Đây là sự nâng cấp đáng kể để cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân Phú Quý thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng mà không phải chuyển đến tuyến trên.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã quan tâm phát triển y tế biển, đảo, đặc biệt là tại huyện đảo Phú Quý. Nhờ sự vào cuộc một cách chủ động, các mục tiêu của chương trình Y tế quốc gia tại huyện đảo Phú Quý luôn được thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt chỉ tiêu. Riêng đối với công tác khám chữa bệnh, đã tiến hành hợp nhất Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện Phú Quý thành lập Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư và nguồn nhân lực y tế hiện có trên Đảo.
Nhìn chung, các cơ sở khám chữa bệnh trên các huyện đảo đang từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Nhiều nạn nhân bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định ảnh hưởng đến công tác phát triển y tế biển, đảo của tỉnh, đó là: Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ở người và gia súc luôn diễn biến phức tạp; nhân lực có trình độ chuyên môn sâu còn hạn chế, nhất là đội ngũ Bác sĩ tại huyện Phú Quý; chính sách khuyến khích, thu hút bác sĩ ra công tác tại vùng biển, đảo vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn.
Trước thực trạng này, trong thời gian đến, ngành Y tế sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống tổ chức và cơ chế điều hành; rà soát việc trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu biển theo quy quốc gia và quốc tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trung tâm Y tế Quân dân y Phú quý.